CON THIÊN CHÚA Trên đường rao giảng từ vùng này qua xóm khác, có lần Đức Giê-su bỗng hỏi các môn đệ: „Người ta bảo Con Người là ai?“ Họ trả lời: „Có người bảo Thầy là Gio-an tẩy giả, có người bảo là Ê-li-a, Giê-rê-mi-a hay một tiên tri nào khác“. „Còn anh em bảo Thầy là ai?“ Phê-rô trả lời: „Thầy là người được xức dầu, Con của Thiên Chúa hằng sống“. Đức Giê-su khoan khoái bảo: „Phúc cho anh, này Phê-rô con nhà Si-mon Ba-gio-na; vì không phải xác thịt hay máu huyết, nhưng là Cha thầy trên trời đã tỏ cho anh biết điều đó“. Trong câu chuyện này có một điểm khác biệt rõ ràng và quan trọng: Thiên hạ bảo Ngài là ai – và anh em bảo Thầy là ai? Đức Giê-su ám chỉ có hai cách nhận ra Ngài. Những người có lẽ một lần nào đó đã thấy được phép lạ hay đã nghe Ngài giảng, thường cho rằng Ngài là một vĩ nhân trong lịch sử tôn giáo. Điều này ngày nay vẫn đúng. Người ta muốn xếp Ngài vào một loại nhân vật nổi tiếng nào đó. Chẳng hạn triết gia Karl Jaspers[3] bảo Ngài là một trong những vị dẫn đường cho thiên hạ; kẻ khác lại bảo Ngài là một trong những tiên tri lớn hay là một vị giáo tổ. Đức Giê-su nói đó là nhận thức của những kẻ chỉ biết Ngài qua trung gian người khác. Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Có nghĩa là những kẻ biết Ngài từ trong tâm hồn bảo Ngài là ai? Theo Lu-ca, cảnh trên có liên quan với chuyện cầu nguyện của Đức Giê-su. Qua đó, Lu-ca cho thấy rõ : những ai biết nét đặc thù của Ngài, biết Ngài từ đáy sâu tâm hồn, và biết Ngài qua trao đổi giữa Ngài với Cha Ngài, những người đó mới thực sự biết Ngài. Có như thế, họ mới bước được ra khỏi khuôn mẫu thường tình, và khám phá ra đặc tính duy nhất và có một không hai của khuôn mặt kia: đó là đấng được xức dầu của Chúa, là Con của Thiên Chúa hằng sống. Cảnh này được ba thánh sử trình bày cách khác nhau, nhưng đó chính là mốc khởi đầu của đức tin Ki-tô giáo. Có thể nói, Phê-rô là người xướng đầu lời tuyên tín đó, và vì vậy ngài cũng được giao một trọng trách đặc biệt. Các bậc thầy của Hội thánh nói về Đức Giê-su: „Thiên Chúa từ Thiên Chúa, ánh sáng từ ánh sáng, Thiên Chúa thật từ Thiên Chúa thật, đồng một bản thể với Cha“. Có so sánh ba Tin Mừng, ta mới thấy được sự lớn lên từ từ của lời tuyên tín, và thấy được việc nó cắm rễ theo tiến trình kinh nghiệm của các môn đồ và của đức tin. Thoạt tiên, ta đọc được nơi Mác-cô: „Thầy là người được xức dầu“; rồi ở Lu-ca: „người được xức dầu của Thiên Chúa“; rồi tới Mát-thêu: „người được xức dầu, Con của Thiên Chúa hằng sống“. Điều đó muốn nói lên gì? Nó từ từ cho thấy Đức Giê-su không chỉ là một người được xức dầu, như vị mà dân Do-thái đang trông chờ, nhưng trong Ngài hai điểm trông chờ đã qui vào làm một. Một đàng, người ta trông chờ một Đa-vít mới hay một Mai-sen mới, là vị vua tối cao, vị ra luật lớn, là bạn và là người môi giới của Chúa, như Đa-vít và Mai-sen xưa đã làm. Đàng khác, người ta trông đợi chính Thiên Chúa sẽ hành động và đưa tay ra nắm lấy vận mệnh của thế giới. Hai nỗi chờ mong trên đã nhập vào nhau trong Đức Ki-tô. Ngài là một con người, nhưng chính Chúa đã bước vào trong con người đó. Mệnh đề „Con Thiên Chúa, ánh sáng từ ánh sáng, Thiên Chúa thật từ Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành“, là kết quả của tất cả những gặp gỡ với Đức Giê-su, bắt đầu từ bài giảng ở Ga-li-lê, qua sứ điệp của Ngài, qua phiên toà của người Do-thái, trong đó Ngài trả lời câu hỏi có phải mình thật là Thiên Chúa không, qua thập giá cho tới qua những cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh. Ngay các vị đầu lãnh Do-thái cũng đã ngửi được việc Ngài tự xưng mình là Chúa là một điều gì vượt quá con người, nên họ cho đó – có lẽ họ phải cho đó - là phạm thượng. Và như vậy thì họ đã hiểu Ngài đúng. Đức Giê-su cũng đã bảo là họ nói đúng. Ngài bảo, vâng, tôi là kẻ đúng như các ông nói!
|